NHIỀU CƠ HỘI PHÁT TRIÈN FINTECH TẠI ASEAN
ASEAN đang chứng kiến sự tăng trưởng rõ rệt của FinTech. Trong năm 2016, đầu tư vào thị trường FinTech Đông Nam Á tăng lên 252 triệu USD, so với 190 triệu USD trong năm 2015, tăng 33%. Tổng mức đầu tư đến tháng 9 năm 2017 đã vượt quá năm 2016 đạt 338 triệu USD. Hầu hết các nguồn tài trợ trong khu vực là từ các nhà đầu tư hạt giống và thiên thần.
Về phân bổ các công ty FinTech, dữ liệu từ Tracxn (Công ty chuyên tư vấn Công nghệ và Dữ liệu Vốn mạo hiểm) cho thấy Singapo là quê hương của nhiều công ty FinTech lớn mạnh ở ASEAN, với tỷ lệ 39%. Inđônêxia, Malaixia và Thái Lan đang theo sát nút Singapo với vai trò là những điểm đến ưa thích của các công ty FinTech, nhờ được hỗ trợ bởi tỷ lệ sử dụng điện thoại di động cao, mức phổ cập Internet rộng và lượng dân số trẻ, nhiều kiến thức và ngày càng đô thị hóa.
Hầu hết các nước ASEAN đều xác định FinTech là một khu vực có tiềm năng tăng trưởng mạnh và đã thực hiện các bước để thúc đẩy môi trường hỗ trợ cho các công ty FinTech phát triển. Singapo là nước dẫn đầu với Cơ quan tiền tệ Singapo (MAS) thực hiện một số bước để thúc đẩy FinTech. Tại Việt Nam, Ban Chỉ đạo FinTech trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan có chức năng thúc đẩy phát triển lĩnh vực FinTech và hoàn thiện chính sách thực hiện Mạng lưới thanh toán quốc gia đến năm 2020.
Lĩnh vực thanh toán ở khu vực ASEAN chịu tác động mạnh mẽ nhất của đổi mới FinTech. Thanh toán trực tuyến và ví di động (thanh toán kỹ thuật số) chiếm ưu thế trong ngành công nghiệp FinTech ASEAN. Nhân tố chính tạo nên bùng nổ đổi mới thanh toán là phạm vi truy cập internet rộng, kết hợp với lượng người sở hữu điện thoại thông minh tăng lên, cho phép truy cập theo thời gian thực và làm tăng mạnh số người tiêu dùng trẻ tuổi, am hiểu công nghệ cao. Theo khảo sát của Visa, 36% dân số ở Đông Nam Á là người sử dụng internet tích cực với 70% mua bán trực tuyến ít nhất một lần mỗi tháng. Hơn nữa, hầu hết các nước thành viên ASEAN đều đang kỳ vọng vào sự bùng nổ thương mại điện tử. Tiện lợi và an toàn là hai lý do chính để tăng cường áp dụng các phương thức thanh toán điện tử trong khu vực ASEAN. Theo dữ liệu của Tracxn, có 367 start-up FinTech trong lĩnh vực thanh toán tại ASEAN tính tới 9/10/2017. Về kinh phí đầu tư, thanh toán là phân đoạn FinTech được đầu tư nhiều nhất. Các start-up FinTech thanh toán tại ASEAN nhận được khối lượng lớn tài trợ trong ba năm qua, tăng gấp 10 lần từ 8 triệu USD lên 83 triệu USD vào năm 2015. Tính đến tháng 9 năm 2017, 117 triệu USD đã được đầu tư vào các start-up FinTech thanh toán tại ASEAN.
Trong lĩnh vực thanh toán, ví điện tử được các nhà đầu tư tài trợ mạnh nhất, tiếp theo là các công ty FinTech chuyển tiền và các cổng thanh toán. Ba danh mục hàng đầu này là các khối kiến tạo để thúc đẩy tài chính toàn diện cho cộng đồng. Hai công ty được tài trợ nhiều nhất trong lĩnh vực này cho tới nay là Momo, công ty thanh toán di động đầu tiên tại Việt Nam với 33,8 triệu USD và MatchMove Wallet công ty xử lý thanh toán di động / thương mại điện tử tại Singapo với 30 triệu USD. Singapo là thị trường thanh toán không dùng tiền mặt trưởng thành nhất với mức bao phủ của ví điện tử cao nhất là 23,3%, tiếp theo là Philipin, Việt Nam, Inđônêxia, Malaixia và Thái Lan. Mức bao phủ rộng rãi của điện thoại thông minh ở các nước ASEAN dự kiến sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc áp dụng ví kỹ thuật số trong tương lai. Ngoài ra thanh toán kỹ thuật số còn có tiềm năng thâm nhập vào các lĩnh vực như thanh toán tiền lương (71% hiện nhận bằng tiền mặt), chuyển tiền của chính phủ (69% nhận bằng tiền mặt) và hóa đơn tiện ích (89% trả bằng tiền mặt). Trong năm năm tới, thanh toán kỹ thuật số dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) trên khắp các quốc gia, với dự kiến mức tăng trưởng CAGR của Việt Nam là 17,2% từ 2017 tới 2021 (Nguồn: Statisca, 10/2017). Phân khúc cho vay ngang hàng (P2P) đã phát triển nhanh chóng ở châu Âu, Mỹ và Trung Quốc kể từ năm 2005. Cơ quan Allied Market Research dự đoán thị trường P2P sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 51,5% (2016-2022), đạt 460,3 tỷ USD vào năm 2022. Phân khúc cho vay ngang hàng dự kiến sẽ có cú bùng nổ ở ASEAN, nơi cho vay P2P vẫn còn ở giai đoạn "sơ sinh” (chưa tới 0,1% tất cả các khoản vay có nguồn gốc từ các công ty cho vay ngang hàng). Theo dữ liệu của Tracxn, có 54 công ty cho vay P2P hàng đầu trong khu vực ASEAN, chiếm 8% thị trường FinTech.
Các nước ASEAN đã hạn chế mức cấp tín dụng cho các công ty vừa nhỏ và rất nhỏ (MSME). Trong khi đó, MSME (công ty có dưới 100 công nhân) tạo ra 74% tổng việc làm và khoảng 41% GDP của kinh tế ASEAN. Hơn nữa, các nguồn tài trợ thay thế như vốn mạo hiểm và thiên thần, quỹ cổ phần tư nhân v.v. không phát triển đầy đủ để đáp ứng cho nhu cầu ngày càng tăng của các MSME trong ASEAN. Vì thế, những công ty cho vay P2P đang tận dụng những tiến bộ công nghệ để thu hẹp khoảng cách tín dụng này và mang lại khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng trong phân khúc. Kết quả là, cho vay P2P có tiềm năng phát triển rất lớn trên toàn ASEAN, đặc biệt là đối với phân khúc MSME.
Ngành công nghiệp quản lý tiết kiệm và đầu tư tiêu dùng đang chứng kiến một giai đoạn thay đổi nhân khẩu học mạnh mẽ khi các tài sản đang dần được chuyển giao sang cho những người thừa kế thuộc thế hệ Millenia. Các start-up FinTech cung cấp dịch vụ đầu tư kỹ thuật số đang trở nên phổ biến với thế hệ Millenia, những người trẻ tuổi, hiểu biết về công nghệ cao, tin tưởng vào cách tiếp cận tự làm chủ. Với 50% dân số ASEAN dưới tuổi 30 và tầng lớp trung lưu ngày càng giàu có, không có gì đáng ngạc nhiên khi các công ty FinTech trong lĩnh vực tiết kiệm và đầu tư đang chiếm chỗ đứng trong khu vực. Theo số liệu của Tracxn, có 92 công ty FinTech tiết kiệm và đầu tư trong khu vực ASEAN.
Thế hệ Millenia, cùng với việc gia tăng các nhóm người tiêu dùng có thu nhập trung bình (thông thường không có các nhà quản lý tài sản), đã kích thích phát triển lĩnh vực Tư vấn robo (Robo-advisor) tại ASEAN. Tư vấn robo hoạt động với vai trò là một phương thức bổ sung, chứ không phải để thay thế các cố vấn tài chính hiện có, những người chuyên phục vụ người giàu ở ASEAN.
InsurTech đang trở thành một từ thông dụng trên toàn cầu khi các công ty FinTech thiết kế nên những đổi mới số trong lĩnh vực bảo hiểm. Xu hướng này dự kiến sẽ dẫn đến nhu cầu tăng về bảo hiểm dựa trên mức sử dụng và phí bảo hiểm được điều chỉnh linh hoạt. Năm nay, khu vực ASEAN đã chứng kiến nguồn tài trợ mạnh mẽ trị giá 75 triệu USD vào lĩnh vực
InsurTech. Công ty được tài trợ nhiều nhất trong hạng mục này là Singapo Life (50 triệu USD)
TIỀM NĂNG PHÁT TRIÈN FINTECH TẠI VIỆT NAM
Theo nghiên cứu của công ty tư vấn Solidiance, thị trường FinTech của Việt Nam đạt 4,4 tỷ USD trong năm 2017 và dự kiến sẽ đạt 7,8 tỷ USD vào năm 2020. Trong báo cáo có nhan đề "Mở khóa tiềm năng tăng trưởng FinTech của Việt Nam", Solidiance nhận định có nhiều yếu tố, bao gồm tỷ lệ bao phủ internet rộng và điện thoại thông minh được sử dụng phổ biến ở các trung tâm đô thị, mức phổ biến của ví điện tử, tăng thu nhập và tiêu dung, thương mại phát triển, đã góp phần thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của FinTech tại Việt Nam. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới môi trường thuận lợi để phát triển FinTech ở Việt Nam đó là chúng ta có số lượng các vườn ươm khởi nghiệp và các chương trình thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp nhiều thứ hai trong khu vực ASEAN, chỉ sau Singapo. Bên cạnh đó, chính phủ cũng đang nỗ lực triển khai thúc đẩy tài chính toàn diện để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển bền vững. Tháng 3/2017, NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo về FinTech có chức năng đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái và khung pháp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp FinTech phát triển.
Hiện tại, có 78 công ty FinTech đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó nhiều công ty được các nhà đầu tư trong và ngoài nước rót vốn. Các lĩnh vực hoạt động của FinTech tại Việt Nam gồm có: 1) Thanh toán với các công cụ như Moca, Payoo, VinaPay, Momo... hoặc cung ứng giải pháp thanh toán kỹ thuật số POS/mPOS4 như Hottab, SoftPay; 2) Gọi vốn, các công ty cung cấp nền tảng gọi vốn như FundStart, Comicola, Betado hay FirstSetp...; 3) Cho vay trực tuyến như LoanVi, Timal; 4) Quản lý tài chính cá nhân như BankGo, Moneylover, Mobivi; 5) Quản lý dữ liệu như Trusting, Social, Circle Bii; 6) Chuyển tiền như Matchmovie, Cash2vn; 7)Blockchain như Bitcoin Vietnam, VBTC Bitcoin.
Lĩnh vực FinTech phát triển mạnh nhất ở Việt Nam là trong phân khúc thanh toán, đặc biệt là ở loại hình ví điện tử. MoMo hiện là công ty FinTech đang dẫn đầu thị trường FinTech tại Việt Nam. Được thành lập vào năm 2009, cho tới nay MoMo hiện đã thành lập được một mạng lưới 4000 đại lý trên toàn quốc, cho phép người dung không cần tới chi nhánh ngân hàng hoặc các cây ATM cũng như những người không có tài khoản ngân hàng có thể nạp tiền điện tử để sử dụng trong thanh toán di động và nhận tiền chuyển khoản. Những người không có điện thoại thông minh có thể nhờ đại lý sử dụng các thiết bị thanh toán di động của họ để chuyển khoản hoặc thay họ thanh toán các hóa đơn. Hiện tại, một nửa khách hàng của MoMo dùng dịch vụ thanh toán di động, còn một nửa dùng dịch vụ nhờ đại lý. Việc này phần nào phản ánh hiện trạng của nước ta, trong đó đáp ứng dịch vụ tài chính cho khách hàng không thể chỉ thông qua các thiết bị di động. MoMo thậm chí còn đưa ra dịch vụ cho phép người dùng định vị các đại lý gần nhất bằng cách sử dụng chức năng định vị GPS trên điện thoại thông minh của khách hàng. Ở những phân khúc khác, các công ty FinTech Việt Nam vẫn hoạt động ở quy mô nhỏ, số lượng ít và đang trong giai đoạn phát triển ban đầu.
Sự phát triển mạnh mẽ của FinTech sẽ mang lại nhiều lợi ích nhưng kèm theo đó là rủi ro và thách thức đối với thị trường tài chính. Tuy vậy, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức đó là khuôn khổ pháp lý cho FinTech ở Việt Nam mới chỉ đáp ứng trong lĩnh vực thanh toán, các phân khúc khác của FinTech chưa được pháp lý điều chỉnh. Trong khi, FinTech là lĩnh vực không ngừng đổi mới, sáng tạo nên xây dựng các quy định pháp lý thường sẽ chậm hơn với sự vận hành của thị trường. Ngoài ra, FinTech hoạt động trên nền tảng công nghệ nên luôn phải đương đầu với những rủi ro về khía cạnh công nghệ.
Vì vậy, để FinTech phát triển lành mạnh góp phần phát triển kinh tế xã hội, việc quan trọng nhất là chúng ta cần sớm ban hành khung pháp lý để điều tiết sự phát triển của các phân khúc FinTech. Cần có những nghiên cứu đánh giá về các cơ hội và thách thức mà lĩnh vực FinTech sẽ mang lại, cũng như xây dựng một hệ sinh thái FinTech hiệu quả. Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng nên xây dựng những chương trình, hoạt động mang tính định hướng giúp các công ty khởi nghiệp, các tổ chức tín dụng chủ động tìm hiểu về FinTech, những ứng dụng công nghệ mà FinTech sẽ mang lại để từ đó giúp các địnhchế tài chính lựa chọn ra các start-up FinTech thích hợp để cộng tác, còn các start-up FinTech sẽ có hướng phát triển một cách hiệu quả nhất.
Tóm lại, FinTech là một lĩnh vực mới, có tiềm năng tăng trưởng mạnh trong tương lai nhờ vào nhu cầu phổ cập tài chính của mỗi một quốc gia. Sự bùng nổ của FinTech đã và đang thu hút sự quan tâm rất lớn của các định chế tài chính và cơ quan quản lý trên thế giới, Việt Nam cũng nằm trong xu thế đó. Với những tính năng ưu việt của mình, FinTech sẽ là một công cụ hữu hiệu để giúp đất nước ta tiến tới mục tiêu cung cấp tài chính toàn diện tới người dân, góp phần xây dựng đất nước.
Theo Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, số 42.2018
Tài liệu tham khảo
1. FinTech in Emerging ASEAN- Trends and Prospects. BBVA, 2017
2. State of FinTech in ASEAN. UOB, 2017
3. Đón đầu xu thế, hoàn thiện khung pháp lý cho FinTech. Báo Đầu tư.