HỆ SINH THÁI FINTECH
Để hiểu được những động lực cạnh tranh và hợp tác trong đổi mới sáng tạo fintech, trước hết cần phải phân tích hệ sinh thái. Một hệ sinh thái fintech ổn định là công cụ hữu hiệu để phát triển ngành công nghiệp fintech. Một số nghiên cứu cho rằng các doanh nhân, chính phủ, và các tổ chức tài chính là những thành phần tham gia vào một hệ sinh thái fintech. Hai nhà nghiên cứu In Lee và Yong Jae Shin của trường ĐH Indiana đã xác định năm yếu tố của hệ sinh thái fintech như sau:
1. Các start-up Fintech (ví dụ: các công ty fintech thanh toán, quản lý tài sản, cho vay, huy động vốn từ cộng đồng, thị trường vốn, và bảo hiểm-insurtech);
2. Các nhà phát triển công nghệ (ví dụ: phân tích big data, điện toán đám mây, tiền điện tử và các nhà phát triển phương tiện truyền thông xã hội);
3. Chính phủ (ví dụ: các nhà quản lý tài chính và cơ quan lập pháp);
4. Khách hàng tài chính (ví dụ: cá nhân và tổ chức);
5. Các tổ chức tài chính truyền thống (ví dụ: các
ngân hàng truyền thống, các công ty bảo hiểm, các hãng môi giới chứng khoán các công ty và nhà đầu tư mạo hiểm).
Tất cả những yếu tố này hợp lại đóng góp vào đổi mới sáng tạo, thúc đẩy nền kinh tế, tạo điều kiện hợp tác và cạnh tranh trong ngành tài chính và cuối cùng là mang lại lợi ích cho người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính.
Một thành phần quan trọng của hệ sinh thái là các start-up fintech. Những công ty này thúc đẩy đổi mới sáng tạo quan trọng trong các lĩnh vực thanh toán, quản lý tài sản, cho vay, huy động vốn cộng đồng, thị trường vốn và bảo hiểm, bằng cách mang lại chi phí vận hành thấp hơn, hướng tới nhiều thị trường ngách hơn và cung cấp nhiều dịch vụ được cá thể hóa hơn so với các công ty tài chính truyền thống. Những start-up này chính là đối tượng đang thúc đẩy hiện tượng phân rã các dịch vụ tài chính, vốn làm các ngân hàng rối loạn. Khả năng phân rã các dịch vụ là một trong những động lực chính để lĩnh vực fintech tăng trưởng, do các tổ chức tài chính truyền thông gặp bất lợi trong lĩnh vực này. Người tiêu dùng thay vì chỉ dựa vào một tổ chức tài chính duy nhất để đáp ứng nhu cầu của mình, thì nay bắt đầu lựa chọn các dịch vụ mà họ muốn từ những các công ty fintech khác nhau. Ví dụ, một người tiêu dùng có thể quản lý khoản vay của họ thông qua SoFi (Nền tảng cấp vốn P2P), trong khi vẫn sử dụng PayPal để quản lý thanh toán, Rocket Mortgage (ứng dụng vay thế chấp) để thế chấp, và Robinhood (phần mềm giao dịch chứng khoán) để quản lý chứng khoán. Các nhà đầu tư mạo hiểm và quỹ cổ phần tư nhân chính là xúc tác để tạo ra các start-up fintech và làm tăng mạnh mức đầu tư theo thời gian.
Các nhà phát triển công nghệ cung cấp những nền tảng kỹ thuật số cho các dịch vụ truyền thông xã hội, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, điện thoại thông minh và di động. Các nhà phát triển công nghệ tạo ra một môi trường thuận lợi để các start-up fintech nhanh chóng tung ra các dịch vụ sáng tạo. Phân tích dữ liệu lớn có thể được sử dụng để cung cấp các dịch vụ cá thể hóa duy nhất cho khách hàng, còn điện toán đám mây có thể được sử dụng cho các start-up fintech "nghèo tiền” triển khai các dịch vụ dựa trên web với chi phí phát triển hạ tầng nội bộ thấp. Các chiến lược giao dịch theo thuật toán có thể được sử dụng làm nền tảng cho các dịch vụ tư vấn quản lý tài sản tự động ở mức phí thấp hơn nhiều so với các dịch vụ quản lý tài sản truyền thống. Truyền thông xã hội góp phần thúc đẩy phát triển các cộng đồng trong lĩnh vực huy động vốn cộng đồng và cho vay P2P. Điện thoại di động có mặt khắp nơi đang dần loại bỏ những lợi thế của các phòng giao dịch ngân hàng. Các nhà khai thác mạng di động cũng đang cung cấp hạ tầng chi phí thấp để các start-up fintech phát triển các dịch vụ, ví dụ như thanh toán di động và ngân hàng di động. Đổi lại, ngành công nghiệp fintech cũng mang lại doanh thu cho những nhà phát triển công nghệ này.
Các chính phủ trên toàn thế giới đang dành nhiều ưu đãi cho fintech kể cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tùy thuộc vào các kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế của từng quốc gia, các chính phủ đang đưa ra những mức độ quy định khác nhau (ví dụ: cấp phép các dịch vụ tài chính, nới lỏng các yêu cầu về vốn, ưu đãi thuế) cho các start-up fintech để kích thích đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực fintech và thúc đẩy năng lực cạnh tranh tài chính toàn cầu. Ví dụ: Singapo đã sửa đổi các quy định thanh toán trực tuyến để khiến cho các quy định trở nên thân thiện hơn với các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán và thúc đẩy tăng trưởng công nghệ thanh toán. Mặt khác, từ năm 2008, các tổ chức tài chính truyền thống phải tuân thủ thêm những quy định nghiêm ngặt, các yêu cầu về vốn và các quy định về báo cáo từ các cơ quan quản lý của chính phủ. Những quy định lỏng lẻo áp dụng cho các start-up fintech cho phép những công ty này cung cấp các dịch vụ tài chính dễ truy cập, không tốn kém và được tùy chỉnh cho người tiêu dùng hơn so với các tổ chức tài chính truyền thống. Tuy nhiên, mặc dù một số quy định nhất định ưu tiên cho các start-up fintech, nhưng những công ty này vẫn cần hiểu được các quy định có thể ảnh hưởng đến các điều khoản dịch vụ của họ như thế nào. Ví dụ, LendUp, một công ty fintech chuyên cho vay ngắn hạn, đã bị phạt 3,63 triệu USD vì những vi phạm luật bảo hộ tài chính tiêu dùng, bao gồm Luật Trung thực trong Cho vay và Luật Cải cách Tài chính Phố Wall và Bảo vệ Người tiêu dùng của Mỹ.
Khách hàng tài chính là nguồn tạo ra doanh thu cho các công ty fintech. Mặc dù các công ty lớn mang lại nguồn thu nhập quan trọng, nhưng nguồn doanh thu chủ yếu của các công ty fintech lại tới từ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Một cuộc khảo sát cho thấy khách hàng trẻ tuổi và giàu có sử dụng các dịch vụ fintech nhiều nhất. Những người sớm áp dụng fintech thường có xu hướng hiểu biết về công nghệ, trẻ tuổi, sinh sống ở đô thị và có thu nhập cao. Hiện tại, Thế hệ Millennials (còn gọi là Thế hệ Y, để chỉ những người từ 18 đến 34 tuổi) tạo nên mức sử dụng fintech lớn ở hầu hết các nước. Nhân khẩu học tương lai rất ưu ái các công ty fintech, theo đó trong vài thập niên tới, Thế hệ Millenial giỏi công nghệ sẽ chiếm phần lớn dân số và thúc đẩy phát triển các dịch vụ fintech.
Các tổ chức tài chính truyền thống cũng là một động lực lớn trong hệ sinh thái fintech. Sau khi nhận ra năng lực "hủy diệt” của fintech và những cơ hội để "thuần dưỡng” sức mạnh này, các tổ chức tài chính truyền thống đã đánh giá lại các mô hình kinh doanh hiện tại của họ và phát triển các chiến lược để "nắm” lấy những đổi mới sáng tạo fintech. Các tổ chức tài chính truyền thống có lợi thế cạnh tranh về quy mô và nguồn lực tài chính hơn so với các start-up fintech. Tuy vậy, các tổ chức tài chính truyền thống có xu hướng tập trung vào các dịch vụ "theo chùm”, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính toàn diện theo kiểu một cửa cho người tiêu dùng thay vì các sản phẩm và dịch vụ chuyên biệt, phân tách. Mặc dù các tổ chức tài chính truyền thống thoạt đầu coi những công ty fintech đang phát triển với tốc độ chóng mặt là một mối đe dọa, nhưng giờ đây những tổ chức này đã dần chuyển sang xu hướng cộng tác với các start-up fintech bằng nhiều nguồn tài trợ khác nhau. Để đổi lại tài trợ, những tổ chức này sẽ thu được những nguồn kiến thức chuyên sâu của các công ty start-up này để luôn duy trì được vị thế đầu tàu trong lĩnh vực công nghệ.
(Còn nữa) Phương Anh
Tài liệu tham khảo
1. Fintech: Ecosystem, business models, investment decisions, and challenges. In Lee, Yong Jae Shin. Kelley school of Business. Indiana University.
2. Definition of FinTech and Description of the FinTech Industry. FinTech in Germany. Dorfleitner, G Hornuf; Schmitt. 2017.
3. Innovation in Payments: The future is Fintech. BNY Mellon. 2015
Theo Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, số 40.2018